“Thay vì quá tập trung vào “do what you love”, các bạn có thể học cách “love what you do” để đạt được một cuộc sống hạnh phúc và công việc thuận lợi”. Đó là chia sẻ của anh Lê Hoàng Long, Senior Manager khối Retailer Vertical, NielsenIQ Việt Nam, đồng thời là học viên MBA Talent khóa 2022 tại sự kiện MBA Meetup tháng 5/2023 do Viện ISB tổ chức.
Được biết, trong hơn 10 năm làm việc tại NielsenIQ, anh Long khởi đầu với thị trường Việt Nam, và sau đó là NielsenIQ Dubai, phụ trách hai khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Sau đó anh quay về Việt Nam đảm nhận khối Retailer Vertical – chuyên hợp tác với những nhà bán lẻ tại thị trường Việt Nam.
Trong hơn 10 năm làm việc của anh Long, có lẽ anh đã từng trải qua cả hai vai trò “leader” và “follower”. Anh Long thấy mình phù hợp với vai trò nào hơn?
Theo tôi, mỗi người không nên “dán nhãn” mình trong bất kỳ một vai trò nào, vị trí nào, kể cả chức vụ nào. Tôi tin rằng mỗi người đều phải đóng cùng lúc hai vai trò, cả “follower” và “leader”, kể cả bạn là CEO của một tập đoàn hay Founder của một startup.
Như khi bắt đầu làm việc tại NielsenIQ, tôi cần hiểu nhiệm vụ của Leader/Manager và cách cùng họ đạt được mục tiêu chung. Đó là lúc tôi đang trong vai trò “follower”. Còn vai trò Leader lại được thể hiện ở việc quản lý bản thân (self-discipline). Còn sau này, khi đã đi làm lâu hơn, tôi thường lắng nghe bản thân để xác định khuynh hướng của mình, rằng mình thoải mái hơn với vai trò dẫn dắt hay hỗ trợ.
Vậy anh Long làm thế nào để nâng cao hiệu quả lãnh đạo?
Tôi thường làm hai việc sau để tạo ra một môi trường làm việc tích cực cho cả team.
Đầu tiên, bất cứ khi nào có thể, tôi thường khuyến khích nhân viên tự tìm giải pháp thay vì trông chờ vào trưởng nhóm. Điều này sẽ vận dụng trí tuệ và sự sáng tạo của cá nhân và tập thể cũng như trao quyền và tăng cường sự tin tưởng giữa các thành viên trong đội ngũ. Khẩu quyết của tôi trong vấn đề này là “Define the right outcomes, not the right process”.
Thứ hai là tôn trọng chuyên môn và kinh nghiệm của các thành viên, tạo cơ hội để họ phát huy tinh hoa của bản thân, và chấp nhận rủi ro thất bại. Tuy nhiên, việc tin tưởng và trao quyền cho nhân viên quyết định luôn đi kèm những rủi ro nhất định. Do đó, người lãnh đạo vừa phải tính toán và hạn chế hậu quả nếu sai số xảy ra; vừa phải hết sức tạo điều kiện để các thành viên phát huy chuyên môn và tài năng của họ và sẵn sàng nghe theo ý kiến của nhân viên kể cả khi đó là những ý kiến, góc nhìn khác biệt với bản thân người lãnh đạo.
Như vậy, ở cả hai việc trên, tôi đã đóng vai trò của cả leader (đưa ra định hướng, đích đến, tính toán rủi ro khi trao quyền) và follower (lắng nghe ý kiến chuyên môn của nhân viên, trao quyền, và chấp nhận rủi ro). Đó là lí do vì sao tôi luôn có quan điểm một người luôn phải đóng cùng lúc 2 vai trò, leader (lãnh đạo) và follower (hỗ trợ).
Hơn 10 năm trải nghiệm làm việc tại NielsenIQ, anh có thể chia sẻ một kỷ niệm đáng nhớ khi là Leader hoặc Follower không?
Trong suốt hành trình đi làm của tôi, khi nhắc đến Leader, có thể nói tôi rất may mắn khi gặp được những người sếp luôn bảo vệ nhân viên của mình.
Có một kỷ niệm tôi vẫn nhớ mãi là lần đầu tiên đi gặp khách hàng ở tỉnh, trên xe lúc di chuyển và thảo luận cho phần trình bày với khách, sếp hỏi tôi có muốn thuyết trình với khách hàng không. Lúc đó, tôi là Executive, thường thì chưa được phép đứng thuyết trình trực tiếp với khách hàng. Đó là khoảnh khắc tôi nhớ mãi vì nó thể hiện sự tin tưởng cũng như mức độ trao quyền của sếp đối với mình.
Được biết anh Long đang là học viên khoá học MBA Talent tại Đại học Western Sydney. Vậy vai trò “follower” và “leader” trong công việc và trong chương trình MBA khác nhau như thế nào?
Cũng tương tự khi đi làm, trong lớp MBA, lớp trưởng là “đầu mối thông tin” giữa nhà trường và lớp. Ngoài ra, lớp trưởng – lớp phó cũng là người đại diện lớp giải quyết các vấn đề xảy ra để đảm bảo chặng đường 2 năm học hành hiệu quả, vui vẻ.
Tôi thấy lớp học MBA là nơi có nhiều “nhà lãnh đạo không chức danh”. Đây là một văn hóa rất hay và độc đáo của cả lớp. Có những người không phải lớp trưởng, lớp phó nhưng cũng rất tâm huyết và trách nhiệm với lớp, chủ động theo dõi lịch học, learning guide, phòng học,…
Như vậy, đâu là những yếu tố các bạn trẻ có thể lưu tâm để trở thành một “leader” tốt?
Điều đầu tiên, tôi nghĩ muốn trở thành leader tốt thì hãy “act like one” – hành động như một leader. Đừng để chức danh hoặc vị trí hạn chế tiềm năng của bản thân. Để chuẩn bị cho hành trình trở thành một leader thì các bạn có thể bắt đầu hành trình từ bây giờ. Nếu không chuẩn bị sớm, khi đảm nhận vai trò mới các bạn dễ bị “khớp”, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe tinh thần cũng như thể chất của mình.
Điều thứ hai, một điều các bạn nên chú ý là từ khóa “ownership” (tư duy làm chủ). Không chỉ Leader mới cần chú ý đến từ khoá này, các Follower cũng như vậy. Nghĩa là, tự bản thân mỗi người không chỉ làm theo yêu cầu mà còn phải có tinh thần tự giác và chủ động trong công việc, tìm cách tối ưu hóa quy trình và đưa ra những ý kiến đóng góp để cải thiện hiệu quả.
Điều thứ ba, thay vì quá tập trung vào “do what you love”, các bạn có thể học cách “love what you do”. Bởi vì trong quá trình đi làm, tôi thấy “love what you do” – biết yêu những gì mình làm quan trọng không kém, thậm chí quan trọng hơn là việc làm những gì mình thích. Không phải ai cũng có cơ hội làm những gì mình thích. Vì vậy, nếu chúng ta học được cách yêu những gì mình làm, tôi nghĩ cuộc sống cũng sẽ hạnh phúc hơn và công việc sẽ thuận lợi hơn.
Vậy những trải nghiệm trong chương trình MBA Talent đã giúp anh Long chuẩn bị cho hành trình tương lai như thế nào?
Nếu nói về giá trị mà chương trình MBA đã mang đến, tôi có những quan điểm như sau:
Thứ nhất, chương trình MBA Talent có nhiều môn học, với nhiều thầy cô và làm việc nhóm liên tục. Điều đó, giúp tôi có những góc nhìn đa chiều, xác định được các điểm mù của bản thân. Đó là những giá trị cực kỳ to lớn. Bởi vì, nhiệm vụ của người lãnh đạo là phải lắng nghe các bên khác nhau.
Thứ hai, đây là môi trường giúp tôi học cách linh hoạt chuyển đổi trạng thái giữa Follower – Leader. Văn hóa của lớp MBA rất hay – hầu hết mọi người đều thúc đẩy nhau để cùng tiến lên. Ví dụ như trong nhóm bao giờ cũng có người lead nhóm, nhưng nếu như có bất kỳ thành viên nào đột ngột bận vì công việc, gia đình, đi công tác thì cũng sẽ có một bạn khác thay thế.
Thứ ba, tôi nghĩ đó MBA như một nơi thử thách giới hạn chịu đựng của bản thân. Nhìn các bạn nữ trong lớp vừa phải làm việc, học tập và làm mẹ, tôi rất khâm phục. Với cá nhân tôi, MBA như một chương trình rèn luyện thử lửa để tôi sẵn sàng cho những thử thách trong tương lai và trở nên năng suất hơn, kỷ luật hơn.
Đây là những giá trị của chương trình MBA mà tôi rất trân trọng!
MBA Talent