Bước chân ra khỏi vùng an toàn với MBA Talent

Nữ - Học viên MBA Talent

Nguyễn Thị Nữ

Đây là câu chuyện từ những trải nghiệm thực tế của chị Nguyễn Thị Nữ, cựu học viên MBA Talent 2019, hiện là Partnerships & E-commerce Manager – Heineken Việt Nam. Từ nỗi sợ viễn cảnh “dậm chân tại chỗ”, giờ đây chị thừa nhận mình như được “nâng cấp” trong công việc sau khi kết thúc một hành trình học thuật đáng nhớ.

Làm gì khi ở ngã ba đường?

Vùng an toàn là không gian nằm trong sự kiểm soát của bản thân, nơi mà chúng ta đều rất quen thuộc mọi thứ bên trong, luôn cho ta cảm giác an tâm. Trong công việc, sẽ có những lúc bạn cảm thấy dường như mình đang trong một chiếc bong bóng vô hình: chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm, v.v.. không tăng cũng không giảm. Tuy nhiên vì đã thân quen, bạn không muốn thay đổi.

Đôi khi bạn sẽ do dự, liệu mình nên bước tiếp hay dừng lại? Dù vậy có một thực tế là thời gian phân vân càng dài, nỗi sợ trong bạn càng tăng. Càng sợ, bạn sẽ càng thu mình và không dám bước chân ra ngoài. Bạn cũng sẽ tìm cách nói “không” với sự đổi mới vì quyết định này sẽ dễ dàng hơn cho bạn rất nhiều.

Chị Nữ từng rơi vào giai đoạn tiến thoái lưỡng nan như thế. Tuy nhiên, trong những ngày trăn trở về vùng an toàn, chị lại nghĩ nhiều hơn đến sự bất an nếu cứ mãi quanh quẩn ở những nhiệm vụ, công việc hôm sau cũng giống như hôm nay. Lâu dần, bạn có thể giảm khả năng học hỏi, mất đi sự đam mê. Trong khi đó, những thử thách luôn tiềm ẩn chất xúc tác thúc đẩy bạn hoàn thiện mỗi ngày.

Khi đó, chị đang là E-commerce Manager của Nestlé Việt Nam. Sau nhiều năm gắn bó, chị sang Heineken Việt Nam. Chị nghĩ lương bổng, chức vụ đôi khi không nắm vai trò quyết định đến lựa chọn chuyện đi hay ở, mà cái cần thiết hơn là một không gian rộng mở để mình phát triển theo định hướng của bản thân.

“Theo tôi, cần có một lộ trình để vượt khỏi vùng an toàn. Nếu không có một kế hoạch cụ thể, bạn sẽ không thể thoát khỏi nỗi sợ thay đổi. Bạn cũng sẽ không dám bước sang một môi trường mới khi không vạch ra cho mình một con đường rõ ràng”, chị Nữ nói.

MBA Talent – Tấm vé đi qua vùng an toàn

Chương trình MBA Talent đến với chị Nữ đúng vào ranh giới của sự thay đổi. Tham gia chương trình, chị muốn có cơ hội cải thiện bản thân bằng những kiến thức mới, gia tăng vùng hiểu biết, mở rộng tư duy, các mối quan hệ. Khả năng phản biện cũng sẽ đến từ việc quan sát nhiều góc nhìn của các bạn học và giáo viên cùng lớp.

Tuy nhiên, để gặt hái những “quả ngọt” ấy, các học viên như chị Nữ phải một lần nữa có dũng khí bước ra thêm một vùng an toàn. Nói vậy là bởi khối lượng môn học trong MBA Talent khá nhiều vất vả, trải rộng nhiều ngóc ngách trong quản trị – kinh doanh. Các bài học lý thuyết, bài tập thực hành, những dự án, nghiên cứu, các tiết thuyết trình đến một cách dồn dập.

Chẳng hạn, môn Integrated Business Experience (Kinh nghiệm Kinh doanh Tích hợp) luôn được nhiều lứa học viên đánh giá là gian truân nhất trong chương trình. Thầy khó, giáo án khó, bài tập cũng khó, chuyện thức tới 3-4 giờ sáng chỉ để chạy cho kịp deadline môn học dần trở nên quen thuộc. Đôi lúc, chị Nữ tự hỏi: “Mới môn đầu tiên đã thế, 2 năm tới sẽ ra sao?”

Dù vậy khi đã vượt qua, chị nhận ra mình vừa thu về một thứ gì rất lớn. Học viên hiểu rõ được chiến lược kinh doanh, phân tích được lợi thế cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp ở tầm rộng hơn, xa hơn và sâu hơn. Do thường xuyên phải họp nhóm giải quyết các “case study” từ chính những doanh nghiệp của mình, mỗi học viên đều cảm nhận góc nhìn của mình trở nên phong phú và đa dạng hơn, nói cách khác như cùng một lúc tích lũy được vô số bài học từ rất nhiều công ty khác nhau.

Môn Problem Solving in Organizations (Giải quyết vấn đề trong tổ chức) để lại ấn tượng cho các học viên khi giúp họ tìm đáp số cho những bài toán cốt lõi trong doanh nghiệp. Với cùng một vấn đề, kinh nghiệm làm việc cho họ góc nhìn A, thì sau khi được các giáo sư hệ thống hóa bài bản, họ đã có thêm những cách nhìn từ hướng B, C, D, v.v.. Nhờ vậy, họ biết chính xác đâu mới là những mối bận tâm gốc rễ mà tổ chức, đơn vị đang gặp phải, qua đó tối ưu nguồn lực để giải quyết mau lẹ.

Không chỉ có những học phần “đả thông” tư tưởng, nhiều môn trong chương trình MBA Talent đã chạm đến được trái tim của từng học viên. Đặc biệt, môn Leadership in Contemporary Organizations (Lãnh đạo trong các tổ chức đương đại – LCO) đã đưa ra những khái niệm độc đáo về nghệ thuật lãnh đạo. Trong đó, tài năng lãnh đạo không chỉ đơn thuần là việc lèo lái một tổ chức đi đến thành công, mà còn nằm ở khả năng thu phục “nhân tâm”. Đặc biệt, họ phải có khả năng tự lãnh đạo bản thân, dẫn dắt chính cuộc đời của mình khám phá những ý nghĩa cuộc sống từ bên trong mỗi người.

Sau từng buổi học môn LCO, nhiều bạn thừa nhận mình đã mất ngủ về những câu hỏi: Tôi là ai? Mục đích làm việc của tôi là gì? Vai trò của tôi trong cuộc đời của chính mình ra sao? Trong tiết học cuối cùng khi được thuyết trình về góc nhìn lãnh đạo bản thân, không ít học viên đã rơi nước mắt khi đã xác định được những mục tiêu trong cuộc sống mà trước đây vòng xoáy công việc đã khiến họ không có thời gian để nhìn ra. Nhiều người thậm chí đã chuyển việc sau đó không lâu để bắt đầu theo đuổi lại những khát vọng đã ngủ quên bấy lâu.

MBA Talent là chương trình học bổng danh giá thường niên được khởi xướng bởi Viện ISB & Đại học Western Sydney (Úc) từ năm 2014. Với duy nhất một kỳ tuyển sinh mỗi năm, một số suất học bổng giới hạn sẽ được trao cho các nhân sự tài năng đến từ các tập đoàn lớn của đất nước và các công ty đa quốc gia hiện đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

MBA Talent

Messenger