Tại sự kiện MBA Talent Business Talk, Tiến sĩ Howard Nicholas – chuyên gia kinh tế đồng thời là giảng viên môn Economics for Business, đã mang đến những phân tích sâu sắc về tình hình kinh tế toàn cầu và những cơ hội mới cho Việt Nam.
Buổi chia sẻ đã cung cấp cho các học viên MBA Talent những góc nhìn chiến lược, cơ hội và cách vượt qua thách thức trong môi trường kinh doanh đầy biến động.
Nền kinh tế “đầu tàu” của Châu Âu đang có những dấu hiệu suy yếu
Đầu tiên, Tiến sĩ Howard Nicholas đã đưa ra những dự báo đáng chú ý về tình hình kinh tế toàn cầu. Theo ông, nền kinh tế Mỹ và Đức đang đối mặt với nhiều thách thức, có thể dẫn đến một cuộc suy thoái toàn cầu. Cùng với đó, thị trường tài chính cũng sẽ có những biến động mạnh mẽ, đặc biệt là thị trường chứng khoán và ngoại hối.
Cụ thể, nền kinh tế Đức, từng là “đầu tàu” của châu Âu, đang đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Trước đây, Đức luôn là nền kinh tế mạnh mẽ, giữ vai trò ổn định và hỗ trợ các quốc gia khác trong khu vực. Tuy nhiên, sự suy giảm sản xuất trong nước, đặc biệt là việc các công ty lớn chuyển dịch hoạt động sang các quốc gia khác, đang gây ra những lo ngại nghiêm trọng về sự ổn định của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Các tín hiệu từ nền kinh tế Mỹ, bao gồm tỷ lệ thất nghiệp và hiện tượng đường cong lãi suất đảo ngược, cho thấy nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ có thể xảy ra vào tháng 3 năm 2025.
Trong bối cảnh đó, xu hướng đầu tư toàn cầu đang có những thay đổi rõ rệt. Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đã có một động thái bất ngờ: tích lũy một lượng tiền mặt khổng lồ. Quyết định này được xem như một tín hiệu cho thấy ông đang hết sức thận trọng trước những rủi ro tiềm ẩn của thị trường và đang chờ đợi những cơ hội đầu tư hấp dẫn hơn trong tương lai.
Về thị trường chứng khoán, Dr Howard Nicholas dự đoán sẽ xảy ra một đợt sụt giảm lớn, khả năng trước lễ nhậm chức của Donald Trump.
Ngoài ra, lãi suất trái phiếu dự kiến sẽ tiếp tục giảm, tạo áp lực giảm lãi suất tại Việt Nam. Trong khi đó, giá hàng hóa nguyên liệu như dầu mỏ đang giảm mạnh, các kim loại như đồng, nhôm, kẽm, niken được dự đoán giảm giá, nhưng không quá mạnh như những cuộc suy thoái trước đây.
Bên cạnh đó, thầy Howard cho biết giá trị dài hạn của vàng có thể sẽ tăng mạnh, mặc dù hiện tại vẫn chịu sự thao túng từ các tổ chức tài chính Mỹ. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các sàn giao dịch vàng mới tại Thượng Hải và Moscow sẽ góp phần điều chỉnh giá vàng về đúng giá trị thực.
Đồng USD được dự báo sẽ tăng giá trong thời kỳ suy thoái, trong khi đồng Euro có khả năng giảm do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ lãi suất nhanh hơn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Kinh tế Việt Nam có nhiều dấu hiệu khởi sắc
Cán cân thương mại của Việt Nam đã có sự phục hồi mạnh mẽ nhờ vào sự tăng trưởng xuất khẩu sau đại dịch COVID-19, đóng góp đáng kể vào ổn định nền kinh tế.
Chỉ số giá cổ phiếu của Việt Nam đã có một sự phục hồi ấn tượng, mặc dù không ít quốc gia khác phải đối mặt với tình hình khó khăn hơn. So với các quốc gia khác, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một năm 2023 khá khả quan, chỉ đứng sau Ấn Độ.
Chính sách lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được điều chỉnh linh hoạt, thường xuyên tăng mạnh khi có dấu hiệu lạm phát và giảm nhanh khi áp lực lạm phát hạ nhiệt. Việc giảm lãi suất đã khiến lợi suất từ gửi tiết kiệm không còn hấp dẫn, khiến nhiều nhà đầu tư chuyển hướng sang các cổ phiếu có tỷ lệ cổ tức cao.
Yếu tố quan trọng nhất quyết định sự phát triển lâu dài của nền kinh tế Việt Nam là tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao, đặc biệt là sản phẩm trung và cao cấp. Những sản phẩm này không chỉ giúp Việt Nam duy trì tăng trưởng mà còn nâng cao thu nhập bình quân đầu người.
Với việc các công ty bán dẫn đang nhắm đến Việt Nam, sự chuyển dịch công nghệ từ các quốc gia khác vào Việt Nam, điển hình là NVIDIA, là một dấu hiệu tích cực. Việt Nam đang dần trở thành điểm đến thay thế Trung Quốc trong bối cảnh xung đột Mỹ – Trung gia tăng, mang đến những cơ hội lớn cho nền kinh tế Việt Nam.
Về mặt chiến lược chính trị, Mỹ xem Việt Nam là một đối tác chiến lược trong bối cảnh cạnh tranh với Trung Quốc, tương tự như cách Mỹ đã thúc đẩy công nghiệp hóa tại các quốc gia Đông Á trước đây. Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để tiếp cận công nghệ và nhận sự hỗ trợ từ Mỹ. Mặc dù chính quyền Trump có thể thúc đẩy xu hướng “reshoring” – đưa sản xuất quay lại Mỹ, tuy nhiên thầy Howard Nicholas kỳ vọng Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng tiêu cực nhờ vào vị trí chiến lược quan trọng của mình trong khu vực.
Về mặt lạm phát, chính phủ Việt Nam đã có những chính sách điều hành hợp lý, đặc biệt là trong bối cảnh giá năng lượng biến động mạnh do chiến tranh Ukraine. Lạm phát tại Việt Nam được kiểm soát hiệu quả nhờ vào các chính sách thông minh của chính phủ, tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn so với nhiều quốc gia khác, đặc biệt là ở châu Âu và Mỹ. Trong bối cảnh cú sốc kinh tế toàn cầu do chiến tranh Ukraine gây ra, giá dầu và khí đốt tăng đột biến, chính phủ Việt Nam đã nhận thức rõ rằng đây chỉ là cú sốc tạm thời.
Thay vì để lạm phát tăng cao, Việt Nam đã áp dụng chính sách trợ giá năng lượng, tương tự như các quốc gia Đông Á khác như Nhật Bản và Trung Quốc. Chính sách này giúp duy trì ổn định giá cả trong nước, tạo sự tin tưởng cho các nhà đầu tư nước ngoài, và củng cố hình ảnh Việt Nam là một thị trường ổn định và hấp dẫn.
Từ năm 1990 đến 2011, lạm phát trung bình hằng năm tại Việt Nam dao động ở mức 5-6%. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, con số này đã giảm xuống dưới 2% mỗi năm. Sự giảm lạm phát này mang lại nhiều lợi ích quan trọng. Thứ nhất, áp lực giảm giá đồng Việt Nam giảm đi đáng kể, giúp giữ vững giá trị đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ hai, lạm phát thấp kéo theo lãi suất giảm, tạo môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp. Biểu đồ lạm phát giảm dần song song với lãi suất trái phiếu 10 năm cho thấy một xu hướng tích cực, phản ánh sự đa dạng hóa và sức mạnh ngày càng tăng của nền kinh tế Việt Nam.
Vị thế chiến lược của Việt Nam trong bối cảnh ảnh hưởng của Trump
Tiếp đến, Dr. Howard Nicholas đề cập đến tình hình kinh tế toàn cầu và những tác động của Trump đối với các quốc gia Việt Nam, Trung Quốc.
Một trong những điều đầu tiên cần lưu ý là Donald Trump nhận ra vấn đề cốt lõi của Mỹ từ rất sớm: tình trạng chuyển giao công nghiệp. Trump đã nhấn mạnh rằng Mỹ đang chuyển giao ngành công nghiệp của mình sang các quốc gia khác, việc này đã gây ra những tác động sâu rộng.
Trump hiểu rõ rằng việc chuyển giao ngành công nghiệp ra nước ngoài là không tốt cho Mỹ. Đó là lý do ông muốn thúc đẩy xu hướng “reshoring” – đưa các công ty Mỹ trở lại sản xuất trong nước. Tuy nhiên, các công ty Mỹ và các nước phát triển có thể không sẵn sàng thực hiện điều này, do lo ngại về tính bền vững của các chính sách khi Trump rời nhiệm sở.
Đối với Việt Nam, có vẻ Trump có những ưu tiên chiến lược. Trong lịch sử, Mỹ đã thúc đẩy công nghiệp hóa nhanh chóng ở các quốc gia Đông Á như Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore và Hong Kong vì lý do địa chính trị. Việt Nam có tiềm năng nằm trong số các quốc gia được Mỹ hỗ trợ để trở thành một quốc gia công nghiệp hóa nhanh chóng. Đặc biệt, Mỹ có vẻ sẵn sàng chia sẻ công nghệ với Việt Nam hơn là với Ấn Độ, vì họ tin rằng Việt Nam có thể trở thành một đối tác đáng tin cậy.
Rủi ro từ các cuộc chiến thương mại và tác động tiêu cực đến Việt Nam
Cuộc chiến thuế quan có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến Việt Nam. Trump có kế hoạch áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc, điều này có thể dẫn đến sự giảm giá mạnh của đồng nhân dân tệ (CNY). Nếu CNY giảm, khả năng cạnh tranh của Việt Nam sẽ chịu áp lực lớn. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện đã giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ và châu Âu, nên họ có thể không cần thực hiện những bước đi mạnh mẽ như trước đây.
Các tác động khác từ chính sách tài khóa và tiền tệ của Trump
Trump dự định cắt giảm thuế, tạo ra thâm hụt ngân sách, nhưng điều này có thể dẫn đến tình trạng giảm phát, tương tự những gì xảy ra dưới thời Reagan. Ngoài ra, Trump có kế hoạch chiến lược liên quan đến Bitcoin, mang lại tác động đáng kể cho hệ thống tài chính Mỹ.
Kết
Tiến sĩ Howard Nicholas đã khẳng định rằng Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn để trở thành một cường quốc sản xuất trong khu vực. Đây chính là thời điểm lý tưởng để doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động trong nước tận dụng tối đa những lợi thế, cùng đồng hành xây dựng một nền kinh tế bền vững, phát triển và đầy triển vọng trong tương lai. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.